Tranh chấp đất đai là sự mâu thuẫn, xung đột giữa những người sử dụng đất với nhau khi họ cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tranh chấp đất đai thường liên quan đến các vấn đề về nguồn gốc đất, việc xác lập, chuyển đổi, chấm dứt các quan hệ về quyền sử dụng đất… Đây là loại tranh chấp có nhiều yếu tố phức tạp nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất, các đương sự thường khiếu nại quyết liệt, gay gắt, dai dẳng.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì Khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết”. (Các loại giấy tờ tại điểm g Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 được hướng dẫn tại Điều 18 Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ).
Trong trường hợp này nếu Chủ tịch UBND các cấp mà giải quyết tranh chấp đất đai là sai thẩm quyền. Khi đương sự không đồng ý và khởi kiện vụ án hành chính đến TAND thì bên cạnh việc xem xét các điều kiện, TAND cần xem xét về thẩm quyền ban hành quyết định bị khởi kiện để hủy quyết định sai thẩm quyền đó. Trong thực tế, TAND vẫn chấp nhận quyết định giải quyết tranh chấp một số vụ án của Chủ tịch UBND các cấp mặc dù sai thẩm quyền nên bị phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy hoặc sửa án.
Tại Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai quy định “Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật thì đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định sau đây:
“a. Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
1. Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Theo quy định trên thì đối với những trường hợp đương sự “không có giấy tờ” thì các bên có thể được lựa chọn một trong hai cơ quan để giải quyết tranh chấp là TAND hoặc là Ủy ban nhân dân. Khi đương sự đã lựa chọn nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND thì TAND không thụ lý giải quyết mà trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.
Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết (đối với trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau); nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì do Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường hoặc TAND theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Khi đương sự đã lựa chọn việc khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc hết hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết và có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại TAND thì TAND xem xét để tiến hành thụ lý giải quyết theo thủ tục chung mà không được trả lại đơn (quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 33 Luật Tố tụng hành chính năm 2015).
Mọi vướng mắc về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai muốn tư vấn chi tiết hơn từ luật sư nhiều kinnh nghiệm, bạn có thể gọi đến 0888 678 929 các chuyên gia của Công ty luật Nam Luật sẽ giải đáp chi tiết cho bạn.