Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật đất đai 2013, đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai thì đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Nếu đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành, trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP) thì điều kiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Thứ nhất, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp vận động, thuyết phục mà không chấp hành.
Thời điểm có hiệu lực của quyết định giải quyết tranh chấp đất đai được xác định như sau:
– Đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu: Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.
– Đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai: Trong thời hạn không quá 30 ngày hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có hiệu lực thi hành.
Thứ hai, quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp.
Thứ ba, quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành;
Thứ tư, người bị cưỡng chế đã nhận được Quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp bạn nắm rõ hơn điều kiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề liên quan, hãy gọi ngay cho chúng tôi – Công ty Luật TNHH PGL Nam Luật qua tổng đài tư vấn pháp luật 0888 678 929 để được giải đáp.