Điều kiện mang thai hộ

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp và phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Luật hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, là văn bản luật lần đầu tiên công nhận và quy định về việc mang thai hộ. Theo đó Luật hôn nhân và gia đình 2014 chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại (mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác). Trong nội dung dưới đây, Nam Luật sẽ tổng hợp và phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Điều kiện mang thai hộ

Tại khoản 22 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, định nghĩa về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau: “22. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Ngay từ trong định nghĩa này đã thể hiện các điều kiện mang thai hộ, cụ thể việc mang thai hộ chỉ được thực hiện khi đã có đủ tất cả các điều kiện sau:

* Các bên phải tự nguyện

Các bên trong thủ tục mang thai hộ gồm có bên nhờ mang thai hộ là cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ) và bên mang thai hộ là người phụ nữ mang thai hộ và chồng của họ (nếu có). Sự tự nguyện của các bên thể hiện ở việc mang thai hộ xuất phát từ mong muốn, từ sự lựa chọn của các bên, không bị ai ép buộc, đe dọa, lừa dối.

Khi thỏa thuận về mang thai hộ, các bên phải lập thành văn bản có công chứng.

* Không mang thai hộ vì mục đích thương mại

Nghĩa là người phụ nữ mang thai hộ không nhằm mục đích để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

* Vợ chồng nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:

– Vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận trong trường hợp này là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

– Vợ chồng đang không có con chung

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý:

+) Việc tư vấn về y tế phải do bác sỹ chuyên khoa sản làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm hoặc bác sỹ chuyên khoa sản làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thực hiện.

+) Việc tư vấn pháp lý phải do người có trình độ cử nhân luật trở lên làm việc tại tổ chức có tư cách pháp nhân về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật thực hiện.

+) Việc tư vấn tâm lý phải do người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên làm việc tại cơ sở được cấp giấy phép hoạt động có phạm vi hoạt động chuyên môn tư vấn tâm lý thực hiện.

* Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:

– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

– Đã từng sinh con

– Chưa từng mang thai hộ lần nào

– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.

Tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận trong trường hợp này là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

– Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý (điều kiện của người tư vấn cũng tương tự như người tư vấn cho vợ chồng nhờ mang thai hộ)

Tóm lại, pháp luật hiện hành chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và chỉ mang thai hộ nếu các ứng đủ các điều kiện trên.

Điều kiện mang thai hộ

Nếu bạn có vướng mắc về vấn đề điều kiện mang thai hộ hoặc cần luật sư tư vấn pháp lý trực tiếp và cụ thể hơn, bạn có thể liên hệ với Nam Luật qua tổng đài 0888 678 929 hoặc để lại thông tin liên hệ trên website, luật sư của chúng tôi sẽ tư vấn miễn phí cho bạn!

Liên hệ tư vấn

0901 878 296