Từ chối nhận di sản thừa kế là quyền của người thừa kế từ chối không nhận di sản của người chết để lại mặc dù họ được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản. Vậy lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế như thế nào? Pháp luật hiện hành không bắt buộc văn bản từ chối nhận di sản phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị pháp lý cho văn bản, người thừa kế nên công chứng hoặc chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Thủ tục công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế cụ thể như sau:
Lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế như thế nào?
– Việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng, Văn phòng công chứng), không phụ thuộc nơi có di sản (Điều 42 Luật công chứng 2014).
– Việc chứng thực văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện tại UBND cấp xã không phụ thuộc nơi có di sản (Điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Thủ tục công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế theo pháp luật được thực hiện theo từng bước như sau:
+ Bước 1: Người thừa kế nộp hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản gồm:
(1) Giấy chứng tử của người để lại di sản hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;
(2) Di chúc (nếu có);
(3) CMND/Hộ chiếu, Sổ hộ khẩu còn giá trị sử dụng của người từ chối nhận di sản + Giấy tờ chứng minh là người thừa kế (Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, …);
(4) Dự thảo văn bản từ chối nhận di sản (nếu có).
+ Bước 2: Người thừa kế ký văn bản từ chối nhận di sản trước mặt người công chứng, chứng thực
Nếu kiểm tra thấy hồ sơ đầy đủ, người thừa kế tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì người thực hiện công chứng, chứng thực yêu cầu người thừa kế ký văn bản từ chối nhận di sản trước mặt họ.
+ Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi người thừa kế ký văn bản từ chối nhận di sản, người thực hiện công chứng, chứng thực sẽ ghi lời chứng và đóng dấu của cơ quan. Người thừa kế đóng lệ phí công chứng, chứng thực và nhận kết quả là bản gốc Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế đã được công chứng, chứng thực.
– Lệ phí công chứng là 20.000 đồng/Trường hợp (Khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC)
– Lệ phí chứng thực là 50.000 đồng/Trường hợp (Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC)
Lưu ý:
+) Việc từ chối nhận di sản thừa kế có thể được thực hiện bất kỳ thời điểm nào sau khi mở thừa kế nhưng phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
+) Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế sau khi lập phải được gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác và người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để họ biết (có thể gửi bản phô tô hoặc bản sao chứng thực).
+) Người thừa kế không được thực hiện quyền từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Nếu bạn còn vướng mắc liên quan đến việc lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế như thế nào, bạn có thể liên hệ với Công ty Luật TNHH PGL Nam Luật qua tổng đài 0888 678 929 để được hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn.