Rủi ro khi nhờ người thân đứng tên nhà đất

Rủi ro khi nhờ người thân đứng tên nhà đất là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu bạn đang có dự định này, hãy tìm hiểu thật kỹ.

Việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) là căn cứ để khẳng định chủ quyền đối với tài sản là nhà đất và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chủ sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, vì một số lý do nào đó, một số người vẫn có nhu cầu nhờ người thân xác lập giao dịch nhà đất và đứng tên trên Giấy chứng nhận mà chưa thật sự hiểu hết những rủi ro có thể sẽ gặp phải. Bài viết sau đây sẽ trình bày khái quát một số rủi ro khi nhờ người thân đứng tên nhà đất.

Rủi ro khi nhờ người thân đứng tên nhà đất

Thứ nhất – Về ý chí của người đứng tên hộ

Khi nhờ người thân đứng tên trên Giấy chứng nhận, người chủ thực sự chỉ có thể định đoạt tài sản của mình thông qua người được nhờ đứng tên đó. Vì vậy, khi nhờ người đứng tên trên Giấy chứng nhận thì Nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng/sở hữu của người đó đối với nhà, đất, trong khi thực tế họ không phải là chủ dụng/sở hữu thực sự của nhà đất.

Có một số trường hợp, ban đầu, họ thật sự có thiện chí giúp đỡ đứng tên hộ nhưng về sau khi thấy giá trị tài sản quá lớn thì họ thay đổi và có ý định muốn chiếm đoạt, không chịu sang tên trả lại tài sản cho chủ thật sự, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến trong các tranh chấp liên quan đến nhờ đứng tên. Khi đó, vì nhờ người thân đứng tên nên có thể vừa mất tài sản vừa mất đi tình cảm thân thiết vốn có. Đó là điều không ai mong muốn.

Thứ hai – Khi người đứng tên hộ ly hôn hoặc chết

Nếu trong thời gian đứng tên hộ này, xảy ra việc ly hôn và người chồng hoặc vợ yêu cầu chia tài sản chung do tài sản này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi người đứng tên trên hộ chết và theo luật định tài sản đó đương nhiên trở thành di sản của người đã chết và được chia thừa kế theo quy định. Những người thừa kế lại không chịu thừa nhận về nguồn gốc thực sự của tài sản đó cho dù họ biết hay không biết giao dịch nhờ đứng tên này thì lại trở thành tranh chấp không mong muốn và người chịu nhiều rủi ro và thiệt thòi nhất vẫn là chủ thật sự của tài sản.

Thứ ba – Khi người đứng tên hộ có nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba

Khi người đứng tên hộ có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và theo quyết định của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ. Khi đó, quyền lợi của người chủ thực sự sẽ không được đảm bảo, thậm chí hoàn toàn mất đi quyền lợi đáng lẽ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu của bất động sản chỉ vì niềm tin đặt không đúng chỗ.

Thứ tư – Biện pháp phòng tránh rủi ro

Xét theo góc độ pháp lý, việc bạn nhờ đứng tên Giấy chứng nhận là trái với quy định của pháp luật. Khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Theo đó, pháp luật công nhận quyền sở hữu hợp pháp tài sản cho người đứng tên trên Giấy chứng nhận. Nếu bạn không thể chứng minh được quyền sở hữu thật sự thì phải chấp nhận mất trắng tài sản của mình. Thậm chí nếu bạn có chứng minh được thì cũng phải chịu nhiều thiệt hại về thời gian và tiền bạc trong thời gian tranh chấp đòi lại tài sản.

Vì vậy, bạn hoàn toàn không nên nhờ người khác xác lập giao dịch và đứng tên hộ khi mua nhà, đất để tránh những rủi ro không đáng có. Khi bắt buộc phải nhờ người đứng tên sổ đỏ, bạn nên cân nhắc kĩ, lập những cam kết, thỏa thuận rõ ràng, có người làm chứng, giữ những hóa đơn, chứng từ có thể chứng minh bạn là chủ sở hữu nhà thật sự sau khi giao dịch chuyển nhượng hoàn tất để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra về cả tài sản lẫn tình cảm.

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu chiếm đoạt, bạn cần làm ngay đơn gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp can thiệp, ngăn chặn. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.

Rủi ro khi nhờ người thân đứng tên nhà đất

Trên đây là thông tin của Nam Luật gửi đến bạn về những rủi ro khi nhờ người thân đứng tên nhà đất và biện pháp để hạn chế rủi ro. Nếu còn bất kì vướng mắc nào hoặc có nhu cầu hỗ trợ về trình tự thủ tục liên quan, xin vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn trực tuyến của Công ty luật của chúng tôi: 0888 678 929 hoặc gửi câu hỏi qua form để được hỗ trợ tận tình.

Liên hệ tư vấn

0901 878 296