Vậy, sau khi có kết quả xác minh tin báo tố giác tội phạm, Bộ Công an sẽ giải quyết vụ việc ra sao?
Thời gian qua, mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin phản ánh hiện tượng có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến hoạt động từ thiện của một số người nổi tiếng, khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải có hoạt động điều tra xác minh, làm rõ những tin đồn đó có căn cứ hay không.
Cơ quan chức năng đã nhận được đơn trình báo, tố giác tội phạm liên quan đến vấn đề này. Do đó, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra, xác minh là hoạt động bình thường, theo quy định của pháp luật và kịp thời.
Quá trình xác minh và giải quyết tin báo, 2 khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, cơ quan công an sẽ phát hiện, làm rõ và xử lý tội phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, nếu một cá nhân kêu gọi cộng đồng làm từ thiện để nhận tiền rồi chiếm đoạt hoàn toàn hoặc một phần số tiền đó, thì hành vi có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, trường hợp người sử dụng mạng xã hội tố cáo đích danh ai đó ăn chặn, biển thủ tiền từ thiện mà không có căn cứ hoặc cố ý bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bị cáo buộc, thì hành vi có dấu hiệu của một trong các tội Vu khống, Làm nhục người khác hoặc Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người phạm các tội này sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc Bộ Công an chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ xác minh thông tin cáo buộc sai phạm trong hoạt động từ thiện giúp giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận. Đồng thời, cơ quan chức năng chấn chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo, loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực; răn đe những kẻ có ý định trục lợi.