SỬ DỤNG HÌNH ẢNH NGƯỜI KHÁC ĐỂ MINH HỌA, QUẢNG CÁO SẼ BỊ XỬ PHẠT THẾ NÀO?

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi người và được pháp luật bảo vệ. Mỗi cá nhân được phép sử dụng hình ảnh và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình hoặc không cho phép. Vậy, nếu sử dụng hình ảnh của người khác để minh họa, quảng cáo nhưng không được sự đồng ý của họ thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó, việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, theo đó, một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo là quảng cáo sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của các nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, bao gồm:

– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Việc xử phạt hành vi vi phạm nêu trên được quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo bị cấm này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo. Ngoài ra, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên hệ tư vấn

0901 878 296