BỊ ĐƠN VAY TIỀN, ĐẾN HẠN KHÔNG THANH TOÁN
Ngày 22/03/2022 ông T.K.L. có vay mượn của bà H.T.M. số tiền 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng), hai bên có lập “Biên nhận hợp đồng” và thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày 22/3/2022. Để làm tin và đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán nợ, ông T.K.L. có cầm cố cho bà H.T.M. giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 040977 (số vào sổ cấp GCNQSDĐ: H3113) do UBND thị xã Sóc Trăng cấp ngày 18/02/2005.
Ngày 05/05/2022 ông T.K.L. vay mượn thêm của bà H.T.M. số tiền 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng), thời hạn là 30 ngày kể từ ngày 05/05/2022 căn cứ theo “Giấy mượn tiền”.
Ngày 30/05/2022 ông T.K.L. tiếp tục vay mượn thêm của bà H.T.M. số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng).
Tổng số tiền bà H.T.M. cho ông T.K.L. vay mượn là 1.050.000.000 đồng (Một tỷ không trăm năm mươi triệu đồng). Đến hạn thanh toán nhưng ông T.K.L. không trả số tiền 1.050.000.000 đồng (Một tỷ không trăm năm mươi triệu đồng) cho bà M. mặc dù bà M. đã nhiều lần liên hệ nhắc nhở, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà M.
Do đó, bà H.T.M. khởi kiện ông T.K.L. đến Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng. Vụ việc đã được hòa giải viên hòa giải trước khi Tòa án tiến hành thụ lý vụ án, ông T.K.L. xác nhận có nợ bà M. tổng số tiền 1.050.000.000 đồng (Một tỷ không trăm năm mươi triệu đồng) nhưng không đồng ý với phương thức thanh toán và không đồng ý thanh toán tiền lãi chậm trả nên hai bên không thống nhất thỏa thuận được.
NGOÀI TRẢ NỢ GỐC, BỊ ĐƠN PHẢI TRẢ THÊM TIỀN LÃI DO CHẬM THANH TOÁN
Xử sơ thẩm, TAND TP.Sóc Trăng buộc ông T.K.L. có nghĩa vụ trả nợ gốc là: 1.050.000.000 đồng (Một tỷ không trăm năm mươi triệu đồng).
Căn cứ Điều 466 BLDS 2015, bị đơn ông T.K.L. thuộc trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn ông L. không trả nợ thì bên cho vay là bà M. có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả./.