Tôi có thửa đất lớn, sau đó tôi chia nhỏ ra để cất nhà rồi bán. Tuy nhiên, khi làm thủ tục tách thửa thì không được vì không đủ điều kiện do diện tích quá nhỏ. Vì thế người mua nhà đề nghị hai bên đến Thừa phát lại để lập vi bằng về việc mua bán giữa đôi bên. Nhờ báo giải thích giúp tôi vi bằng và công chứng khác gì nhau? Tôi phải làm gì trong trường hợp này?
Công chứng viên Quách Chí Đức (Văn phòng công chứng Trần Thanh Hải, TP.HCM) hướng dẫn cách phân biệt giữa vi bằng với công chứng như sau:
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt… (điều 2 luật Công chứng).
Về giá trị pháp lý
Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật (khoản 3 điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP).
Còn hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác (điều 5 luật Công chứng).
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ. Những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu (khoản 3 điều 5 luật Công chứng).
Như vậy, vi bằng khác văn bản công chứng, không thể thay thế văn bản công chứng trong các quan hệ pháp lý. Vi bằng chỉ là văn bản ghi nhận những sự kiện pháp lý, tình trạng sự việc thiệt hại xảy ra trên thực tế, giá trị của nó sẽ được cơ quan chức năng xem xét.
Trong khi đó văn bản công chứng có giá trị pháp lý cao, chứng nhận sự hợp pháp của giao dịch hợp đồng, là chứng cứ không cần phải chứng minh.
Mua bán nhà đất không được lập vi bằng
Căn cứ điều 167 luật Đất đai thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Do đó trong trường hợp của bạn không được lập vi bằng. Để việc bán nhà được thực hiện đúng theo quy định, bạn cần làm thủ tục để điều chỉnh tăng diện tích nhà cho phù hợp với điều kiện về tách thửa.
Sau khi tách thửa xong, hai bên tiến hành thủ tục bán - chuyển nhượng tài sản theo quy định pháp luật.