ĐĂNG KÝ KẾT HÔN KHÁC NƠI CƯ TRÚ CỦA VỢ VÀ CHỒNG?

  • 05/06/2023

Anh T cư trú tại phường 4, Thành phố X tiến hành đăng ký kết hôn với chị L cư trú tại phường 7, thành phố Y tại Ủy ban nhân dân phường 9, Thành phố X và đã được UBND phường 9 cấp giấy chứng nhận kết hôn? Việc này có trái với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kết hôn hay không?

Theo quy định tại Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014 thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ đi đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trường hợp của anh T và chị L, dù đã được cấp giấy chứng  nhận kết hôn nhưng tại UBND cấp xã không phải nơi cư trú của anh hoặc chị thực hiện. Vì vậy, theo quy định của Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì đây là việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì biện pháp xử lý đối với kết hôn không đúng thẩm quyền là “thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật hộ tịch.” Bên cạnh đó khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có quy định:

3. Trường hợp nam, nữ có đăng ký kết hôn nhưng việc kết hôn đăng ký tại không đúng cơ quan có thẩm quyền (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) mà có yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng Điều 9 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ đồng thời hủy Giấy chứng nhận kết hôn và thông báo cho cơ quan hộ tịch đã đăng ký kết hôn để xử lý theo quy định tại Điều 13 của Luật hôn nhân và gia đình. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ đối với con; tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy theo quy định này thấy rằng Tòa án chính là cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn. Đồng thời cũng cần lưu ý rằng, Tòa án sẽ thực hiện việc này theo yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn.

Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định khi hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước. Quy định này có vẻ hợp lý nhưng nếu có trường hợp khi hai bên nam, nữ bị thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn, hai bên cũng muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng nên không tiến hành đăng ký kết hôn lại. Sau một thời gian khá dài (5 năm hoặc 10 năm sau), hai bên kết hôn lại và thực hiện đúng cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là quan hệ hôn nhân của họ sẽ được công nhận từ thời điểm nào là hợp lý? Cách áp dụng pháp luật tại điều này tiềm ẩn nhiều tranh chấp phát sinh. Ví dụ, trong thời gian chưa đăng ký kết hôn lại, hai bên nam, nữ đã có sự chung sống với người khác, hay là có tạo lập được tài sản riêng thì vấn đề xác định tính hợp pháp của hôn nhân hay tính chất chung, riêng của các tài sản rất bất cập. Vì vậy, luật cần quy định rõ hơn về trường hợp này.

 

Liên hệ tư vấn

091 6789 722